Theo thuyết này, Thục Phán là con vua Thục Chế - vua nước Nam Cương gồm 10 xứ Mường, trong đó có một xứ trung tâm là nơi vua ở. Lãnh thổ nước Nam Cương thuộc về vùng Cao Bằng và nam Quảng Tây Trung Quốc ngày nay. Thục Chế mất, Thục Phán lên ngôi, tuy còn nhỏ tuổi nhưng đã dùng mưu trí quy phục 9 chúa Mường xung quanh nước Nam Cương. Sau đó, Thục Phán lãnh đạo bộ tộc đánh thắng Văn Lang, hợp nhất lãnh thổ lập ra nước Âu Lạc.
Đến nay, truyền thuyết này đã được minh chứng bằng các di tích di vật và địa danh cụ thể như: Tổng Lằn (xã Thịnh Vượng, huyện Nguyên Bình), Tống Chúp, Khau Lừa, cây đa cổ thụ ở Cao Bình, đôi guốc đá khổng lồ ở Bản Thành (các xã Hưng Đạo, Bế Triều, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng). Sau khi truyền thuyết được công bố, nhiều nhà nghiên cứu đã hướng về vùng núi Bắc Bộ để tìm quê hương Thục Phán. Cho đến nay, đa số đều tin rằng Thục Phán là thổ lĩnh một liên minh bộ lạc Tây Âu ở vùng núi phía Bắc Việt Nam.
Hội nghị Thái học Việt Nam lần thứ 4 tổ chức tại Cao Bằng tháng 7.2006 dưới sự chủ trì của PGS Nguyễn Quang Ngọc, các nhà nghiên cứu đã tiến hành nghiên cứu khảo sát một số di tích và truyền thuyết có liên quan đến huyện Hòa An và thấy rõ sự trùng khớp thống nhất giữa di tích và truyền thuyết. Đặc biệt là các câu chuyện về Thục Phán - An Dương Vương và nước Nam Cương đã ăn sâu và ký ức của nhân dân từ lâu đời.
Một truyền thuyết khác phổ biến trong tâm thức dân gian là truyện Mỵ Châu -Trọng Thủy có nhiều di tích gợi cho ta liên tưởng đến mối quan hệ mật thiết giữa đất Cổ Loa và tộc người Tày - Thái xưa. Các nhà nghiên cứu cho biết, trong sinh hoạt nương rẫy, người con gái Tày khi để lại dấu cho chàng trai cũng đánh dấu chỉ đường bằng cách rắc lông ngỗng bứt ra từ chiếc áo trên mình. Hình ảnh này rất gần gũi với chi tiết Mỵ Châu rắc áo lông ngỗng chỉ đường cho Trọng Thủy. Ngay tên “Mỵ Châu” cũng được giải thích là xuất phát từ chữ “Mẻ Châu” trong tiếng dân tộc nghĩa là “Bà chúa lớn”.

 Nhà văn hóa người Tày Dương Thuấn đang trao đổi với phóng viên. 
Thành Cổ Loa do Thục Phán An Dương Vương xây dựng vào khoảng thế kỉ thứ 3 trước Công nguyên. Cho đến ngày nay, đã qua hơn 2.000 năm, nhưng thành Cổ Loa và vùng đất của người dân sinh sống vẫn còn nhiều dấu tích của người Tày.
Để tìm hiểu về vấn đề này, phóng viên đã gặp và trao đổi với ông Hoàng Văn Lộc - người nhiều năm làm chủ tế ở thành Cổ Loa. Theo ông Lộc ở vùng Cổ Loa, người dân vẫn làm một loại bánh đặc biệt là bánh chưng tròn dài mà người Cổ Loa gọi đó là món bánh chưng Tày. Ông Lộc cũng không biết chính xác vì sao người dân lại làm món này, chỉ biết các cụ từ bao đời nay vẫn truyền lại như vậy và xung quanh cũng chỉ có Cổ Loa mới làm bánh Tày mà thôi.
Có một điều đặc biệt nữa là hiện nay ở Cổ Loa, người dân thường kiêng thịt gà trắng. Lý giải điều này, nhà nghiên cứu văn hóa Tày Dương Thuấn cho biết: Rùa vàng, gà trắng là những linh vật có ý nghĩa biểu tượng trong dân tộc Tày. Người Tày coi rùa vàng là tầng lớp trí thức tinh túy, con rùa được quý trọng, tôn thờ. Con gà thì lại khác, biểu tượng gà là ‘‘vật ký thác linh hồn”, hiện nay đồng bào vẫn coi “ma gà” (phi cáy) nhập là hiện tượng đáng sợ. Đồng bào coi gà trắng là ‘‘cáy khoăn” tức gà gọi hồn nên rất sợ loại gà này. Hơn nữa, trong truyền thuyết xây thành Cổ Loa còn nhắc đến tinh gà trắng phá hoại thành, còn rùa vàng lại là linh vật giúp vua dựng thành. Có lẽ vì thế mà người dân ở Cổ Loa kiêng thịt gà trắng?
Cố giáo sư Trần Quốc Vượng cũng từng cho biết: Những tên gọi tại Cổ Loa như Dục Nội, Uy Nỗ, Cường Nỗ, Kinh Nỗ… có âm gần với Tày Thái cổ như những từ trong tiếng Tày Thái như: Đồn, Tó, Nọ… hay như từ kẻ chợ, kẻ noi, kẻ vẽ, kẻ mọc, kẻ xuôi…, từ “kẻ” trong nhiều từ ghép có nghĩa là người, là cái, tương tự với chữ “cổ” của người Tày cổ. Ngay chính địa danh khu vực Cổ Loa cũng gợi ra khá nhiều điểm tương đồng với văn hóa và ngôn ngữ của tộc người Tày -Thái.
Theo nhà văn hóa Dương Thuấn, hiện chưa có công trình nghiên cứu sâu nào về yếu tố Tày ở thành Cổ Loa. Nếu không có những biện pháp khôi phục kịp thời thì những yếu tố này rất có nguy cơ bị mất đi hoàn toàn. Thành Cổ Loa là một di tích rất quan trọng của quốc gia, chính vì thế các yếu tố về nguồn gốc và văn hóa người Tày ở đây thiết nghĩ cần được nghiên cứu sâu hơn.
Nguồn: Báo Lao Động